Những băn khoăn về tài chính cần trao đổi với bạn đời trước khi kết hôn

Giải quyết các vấn đề tài chính tiền hôn nhân để tiến tới hạnh phúc lâu dài

Đối với mọi gia đình, các vấn đề về tài chính luôn là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến bất đồng. Chính vì vậy, hãy thẳng thắn trao đổi cùng người bạn đời tương lai về những khúc mắc tài chính có thể xuất hiện trong tương lai của bạn. Những lời khuyên về cách giải quyết vấn đề tài chính gia đình dưới đây sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc xây dựng một nền móng tài chính gia đình ổn định.

Tiết kiệm không bao giờ là muộn

Các chuyên gia về tài chính gia đình khẳng định rằng, việc tiết kiểm khoảng 10-15% thu nhập hàng tháng sẽ giúp bạn có những chuẩn bị về mặt kinh tế tốt nhất cho cuộc sống hôn nhân trong tương lai. Khi kết hôn, bạn sẽ cần sự dụng thu nhập cho rất nhiều mục đích chung của gia đình. Lúc này việc tiết kiệm cho tương lai sẽ trở nên khó khăn. Trong mọi hoàn cảnh, bạn luôn cần có cho mình và gia đình những khoản tài chính dự phòng với các mục đích an toàn như bảo đảm sức khoẻ, bảo hiểm nhân sinh, bảo hiểm y tế hoặc các mục đích đầu tư tài chính khác.

Hãy quản lý tài chính một cách thông thái trước khi tiến tới hôn nhân

Tính toán kỹ lưỡng, trao đổi cởi mở và thành thật với nhau

Chắc chắn, những quyết định liên quan đến tài chính luôn cần có những kế hoạch chuẩn bị cụ thể. Hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng trước các quyết định đầu tư, gửi tiết kiệm với các số liệu về lãi suất, lợi nhuận hoặc các khoản chi phí cần chi tiêu. Thông thường, để có thể chi tiêu hợp lý, bạn nên thiết lập các danh sách thu – chi cụ thể với các đề mục và nội dung chi tiết. Từ đó, bạn có thể tính toán được các khoản tài chính đã sử dụng, đang sử dụng, sắp sử dụng và mức độ cần thiết cũng như quan trọng của chúng với cuộc sống của bạn hay gia đình bạn.

Đặc biệt, để có những cái nhìn khách quan và thông thái hơn trong các quyết định về tài chính, bạn nên chủ động trao đổi cởi mở với người bạn đời của mình. Hãy thành thật với nhau về các khoản tiền mình đang có, các dự định sắp tới cũng như các nhu cầu thiết yếu mà gia đình cần phải chi trả. Đây cũng là cách để vun đắp thêm niềm tin và hạnh phúc trong gia đình

Tôn trọng ý kiến và cùng nhau quản lý tài chính gia đình

Song song với việc trao đổi cởi mở và thẳng thắn trước những vấn đề về quản lý tài chính, bạn cũng cần tôn trọng ý kiến của nhau, tránh những xung đột không đáng có do bất đồng quan điểm gay gắt. Hãy tạo cơ hội để cả hai cùng nhau quản lý tài chính theo hướng ôn hoà nhất và có lợi ích nhất cho gia đình bạn. Mỗi cá nhân đều có một điểm mạnh riêng, biết đâu nửa kia của bạn lại có khả năng quản lý tài chính tuyệt vời hoặc có nhưng quyết định về thu chi thông thái.

Trao đổi và tôn trọng lẫn nhau luôn giúp bạn giải quyết vấn đề tài chính trong hạnh phúc

Trả hết nợ cá nhân trước khi tiến tới hôn nhân

Các khoản nợ trước khi kết hôn sẽ luôn là gánh nặng cho bạn và gia đình sau này nếu không trả hết. Như đã nói ở trên, khi tiến tới hôn nhân, bạn sẽ đối mặt với rất nhiều khoản chi tiêu lớn cho gia đình và các gánh nặng của nợ nần tiền hôn nhân sẽ rất dễ khiến bạn khủng hoảng. Hãy cố gắng giảm thiểu nhất có thể các khoản nợ nếu như bạn vẫn chưa đủ khả năng để chi trả!

Tránh tổ chức đám cưới quá cầu kỳ và tốn kém

Cho dù bố mẹ bạn là người chi trả mọi chi phí đi nữa thì hãy cố gắng tổ chức một đám cưới thật đơn giản nhất có thể. Ai cũng muốn có một đám cưới thật hoành tráng và lộng lẫy nhưng bạn không nhất thiết phải tổ chức ở những nơi cực kì đắt đỏ chỉ để làm các vị khách choáng ngợp. Hãy sử dụng các dịch vụ với chi phí trong khả năng tài chính của bạn. Đừng khiến ngày hạnh phúc của mình kém vui khi trong đầu vẫn phải suy tính về các khoản chi “khủng” cho một đám cưới xa hoa.

Theo Báo An Ninh Thủ Đô (anninhthudo.vn)