Các biểu hiện đột quỵ do nắng nóng

Phòng ngừa rủi ro xấu nhất trong mùa hè bằng các kiến thức cơ bản về đột quỵ do nắng nóng

Cơ thể sẽ phản ứng khi nhiệt độ bên ngoài quá nóng. Những phản ứng này có thể cảnh báo nguy cơ đột quỵ do nhiệt, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Trẻ em và người già là những đối tượng dễ bị đột quỵ khi thời tiết nắng oi nóng. Ngoài ra, nguy cơ đột quỵ xảy ra ở những người có đáp ứng kém hay kém thích nghi với nhiệt độ cao, người đang sử dụng một số thuốc như thuốc lợi tiểu gây mất nước, điện giải, các thuốc chẹn beta giao cảm điều trị tăng huyết áp, các thuốc chống trầm cảm loại ba vòng, các chất ma túy loại amphetamines hoặc cocaine, người đang có các bệnh mạn tính như bệnh tim, bệnh phổi, người béo phì, người không được khỏe hoặc ăn uống không đầy đủ.

Khi quá nóng, cơ thể có nguy cơ bị mất nước nghiêm trọng. Tình trạng này sẽ gây áp lên tim, thậm chí là dẫn đến đột quỵ. Những dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang bắt đầu bị ảnh hưởng tiêu cực từ nhiệt độ quá nóng nực là:

Ngứa da

Đây có thể là dấu hiệu sớm của tình trạng kiệt sức hoặc đột quỵ do nhiệt. Cảm giác ngứa là do mồ hôi ứ đọng dưới da, gây ngứa, khó chịu. Để giảm những cảm giác khó chịu này, hãy tìm đến nơi râm mát để nghỉ ngơi.

Tim đập nhanh

Ở người bị đột quỵ, tim thường đập nhanh hoặc loạn nhịp. Khi nhịp tim đập quá nhanh có thể hình thành các cục máu đông. Những cục máu đông này có thể đi lạc đến các bộ phận khác và cản trở một động mạch não gây ra cơn đột quỵ. Ngoài ra, khi cơ thể mất nước, huyết áp giảm và tim đập dồn dập. Tim đập liên tục để bơm máu đi khắp cơ thể.

Buồn nôn

Buồn nôn xuất hiện là do cơ thể bị mất nước nhiều hoặc mất cân bằng điện giải. Chóng mặt, buồn nôn cũng là dấu hiệu của cơn đột quỵ. Thậm chí, bệnh nhân còn có thể nôn rất nhiều.

Nổi da gà

Nhiệt độ môi trường quá nóng sẽ tạo phản ứng rùng mình và nổi da gà. Các nhà khoa học cho rằng hiện tượng này xảy ra là do phản ứng của một số loại protein trong cơ thể.

 

Cách xử trí khi bị đột quỵ do nắng nóng

Bệnh nhân đột quỵ do nắng cần được cấp cứu khẩn cấp. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh nhanh chóng bị hôn mê chỉ trong vòng vài phút, thậm chí tử vong do thân nhiệt quá cao.

Hãy luôn để ý và chăm sóc người lớn tuổi và trẻ nhỏ vì có khả năng đột quỵ cao hơn. 

Gặp nạn nhân bị đột quỵ do nắng nóng, cần đưa nạn nhân vào chỗ thoáng mát. Việc đầu tiên là phải tìm cách hạ thân nhiệt xuống dần từng bước và càng sớm càng tốt bằng các biện pháp như đưa nạn nhân vào chỗ mát, cởi hết quần áo; chườm bằng nước mát khắp người hoặc phun nước hay nhúng cả người nạn nhân vào bể nước mát. Khi thân nhiệt người bệnh giảm xuống 38 độ C, nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục theo dõi điều trị.

Theo Sức Khoẻ & Đời Sống