Ăn như thế nào nếu bị gan nhiễm mỡ

Cân bằng dinh dưỡng khi mắc bệnh gan nhiễm mỡ.

Gan nhiễm mỡ là tình trạng do nhiều nguyên nhân gây ra. Vì vậy, trước tiên phải biết do nguyên nhân gì thì trị đúng nguyên nhân đó mới có thể khỏi được. Cũng cần lưu ý rằng, gan nhiễm mỡ không hẳn là do mỡ trong máu cao gây ra, cho nên không phải cứ thấy gan nhiễm mỡ là phải dùng các thuốc làm hạ mỡ trong máu.

Dưới đây là chế độ dinh dưỡng ứng với 3 nguyên nhân chính gây ra gan nhiễm mỡ:

Gan nhiễm mỡ do uống rượu bia nhiều và thường xuyên

Bệnh có thể hồi phục mà không cần phải dùng một thứ thuốc men nào khi bạn ngừng uống rượu, bia. Đồng thời, bạn nên bổ sung thêm các thuốc bổ đa sinh tố nhất là Vitamin B1, axit folic vì khi uống rượu lâu ngày sẽ làm tiêu hao các vitamin này.

Gan nhiễm mỡ do tiểu đường

Phần lớn là do béo phì và có tăng chất mỡ trong máu. Vì vậy, chế độ ăn của người tiểu đường có béo phì cũng tương tự như chế độ ăn để chống thừa cân như phần dưới đây. Tuy nhiên, giải quyết được vấn đề kiểm soát tốt đường huyết thì mới giải quyết được gan nhiễm mỡ.

Gan nhiễm mỡ do béo phì hoặc thừa cân

Tiết chế ăn uống sao cho giảm cân và đạt được một cân nặng "lý tưởng" là biện pháp tốt nhất.

Việc áp dụng một chế độ ăn kiêng không phải là dễ, vì chúng ta thường xuyên bị "cám dỗ" và khi phải thay đổi một thói quen ăn uống cũng sẽ thấy khó chịu. Bên cạnh đó, việc giảm cân không thể thực hiện "một sớm, một chiều" mà được, cho nên chế độ ăn uống cần phải áp dụng một cách kiên trì và bền bỉ.

Để tuân theo lâu dài thì ta không nên áp dụng quá cứng nhắc và cưỡng ép quá mức.

  • Giảm dần số chén cơm mỗi bữa và ăn "độn" thêm rau quả tươi.

Người bị bệnh gan nên bổ sung thêm rau củ vào bữa ăn hàng ngày.

  • Giảm chất ngọt và chất béo vì các chất này nếu thừa sẽ được gan chuyển đổi thành mỡ dự trữ.
  • Ở giữa các bữa ăn, nếu đói thì có thể ăn thêm một ít trái cây không ngọt lắm như táo, lê, thanh long, cam, ... hoặc một chút yaourt không ngọt hay uống một ly sữa đậu nành không đường.
  • Hạn chế các loại thức ăn nhanh vì thường chứa nhiều dầu mỡ.
  • Hạn chế các món chiên xào, nên ăn đồ luộc.
  • Hạn chế uống rượu bia.

Tùy theo lượng mỡ trong máu có cao hay không mà có thể kết hợp dùng các thuốc làm giảm mỡ trong máu. Khi lượng mỡ trong máu cao thì cần lưu ý các điểm sau đây:

  • Ăn thịt nạc (bỏ mỡ). Với thịt heo, vịt, gà thì không nên ăn da.
  • Không dùng các thịt chế biến như lạp xưởng, xúc xích vì có nhiều mỡ.
  • Tôm, cua biển: Không nên ăn quá 1 lần/tuần.
  • Trứng chỉ nên ăn 2-3 quả 1 tuần.
  • Tránh các thức ăn chế biến từ gan, óc, cật, bộ đồ lòng của gia súc, phô mai, bơ.
  • Hạn chế đồ ngọt, kẹo bánh, nước ngọt có ga,... Tốt nhất là nên uống nước lọc, nước khoáng hoặc trà.
  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây ít ngọt, thức ăn chứa chất xơ sợi hoặc ít năng lượng như tảo, rong biển, nấm.

Dù sao thì tuyệt đối không được nhịn ăn để đến khi không còn sức để làm việc, thậm chí ăn bù vào ngày hôm sau vì việc giảm cân từ từ vẫn tốt hơn là giảm nhanh và đột ngột rồi sau đó lại tăng cân vọt lên hơn trước.

Ngoài ra, muốn giảm cân hiệu quả cần phải kết hợp một chương trình vận động và tập luyện thể dục như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, tập thể dục nhịp điệu ... để tiêu bớt lượng mỡ dư thừa và tăng cường cơ bắp cho cơ thể.

Tóm lại, muốn thực hiện đúng cách vấn đề dinh dưỡng nhiều khi rất khó. Chủ yếu là phải dựa vào ý thức và ý chí của người bệnh có quyết tâm thực hiện hay không, và phải thực hiện một cách bền bỉ. Nếu chỉ áp dụng nhất thời trong một giai đoạn thì không mang lại kết quả gì.

Theo Tuoitre